Những vấn đề do lịch sử để lại đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác sản xuất, kinh doanh của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Bằng những nguồn lực hiện có, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và lãnh đạo, người lao động DQS đang rất nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nỗ lực từ nhiều phía
Ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang PVN theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin.
Trong thiết kế, nhà máy đóng tàu có công suất thiết kế giai đoạn I (đến năm 2010) với mục tiêu đóng mới khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm (tương đương với đóng 6 con tàu 100.000 DWT); giai đoạn II (từ năm 2010-2015) nâng công suất đóng mới lên 1.100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đúng vào giai đoạn đó, thị trường đóng tàu suy giảm, nhà máy phải chuyển hướng từ đóng mới sang sửa chữa. Vì vậy, nhiều hạng mục đang đầu tư dở dang phải dừng lại.
Cộng thêm nhiều sai phạm tại Vinashin trước đó đã khiến cho vốn chủ sở hữu của DQS bị “âm”. Điều này làm cho những kết quả, nỗ lực của PVN và lãnh đạo, người lao động DQS bị ảnh hưởng bởi những con số trên báo cáo. Bởi nhẽ, ngay từ khi chuyển sang PVN, DQS đã mang trên mình một khối tài sản vô cùng lớn nhưng sử dụng được rất ít. Cùng với thị trường đóng tàu "đóng băng" vào thời điểm chuyển giao, lịch sử đã để lại một DQS bên bờ vực.
Dock tàu DQS thời điểm sửa chữa giàn Đại Hùng.
Ngay sau khi được tiếp nhận DQS, Hội đồng Thành viên PVN đã có Nghị quyết 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi. PVN đưa DQS vào lộ trình từng bước vượt qua khó khăn.
DQS đã chuyển giao các công ty con sang các doanh nghiệp thành viên PVN, gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải thủy bộ sang PVTrans; Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình Dung Quất sang PVC-MT, Công ty TNHH MTV Cung ứng dịch vụ Hàng hải Vinashin sang PETROSETCO.
Những chỉ đạo của PVN đã tạo những kết quả tích cực. Bằng chứng rõ nhất là ở thời điểm mới được chuyển giao về PVN, thu nhập bình quân của người lao động DQS chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng, đến thời điểm hiện tại đã đạt xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.
Thời điểm hiện tại, DQS đã cơ bản thoát khỏi tình trạng thua lỗ; đời sống của cán bộ, công nhân viên về cơ bản đã được cải thiện, người lao động có việc làm đều đặn... Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, lại đang lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế và truyền thông, DQS “trụ” lại, rồi từng bước vươn lên là điều đáng ghi nhận.
Những thành quả đáng ghi nhận
Trong bối cảnh thị trường đóng tàu và ngành hàng hải thế giới suy giảm kéo dài. Theo thống kê, trong năm 2018, nhu cầu thị trường nhìn chung vẫn rất thấp, khối lượng các đơn hàng đóng mới đã giảm khoảng 90-95% so với cùng kỳ 3 năm trước. Các tàu được giao trong thời điểm này chủ yếu đã được đặt hàng trong giai đoạn 2016 trở về trước. Đứng trước hoàn cảnh khó chồng thêm khó đó, DQS đã vượt qua như thế nào?
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh cho biết, một mặt DQS tiếp tục dựa vào nguồn đơn hàng đóng mới và sửa chữa từ PVN, mặt khác tiếp tục vươn ra thị trường bên ngoài. Và đến bây giờ, DQS đã sẵn sàng tham gia vào sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong và ngoài nước. Con đường phát triển của DQS là giữ vững các khách hàng truyền thống - các đơn vị trong ngành Dầu khí và từng bước vươn ra các khách hàng doanh nghiệp ngoài ngành.
Thời gian qua, DQS đã từng bước vươn lên để thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên. DQS đã hoàn thành đóng mới tàu LPG cho Nhà máy Khí Cà Mau; đóng tàu kéo 2.800 mã lực phục vụ cho hoạt động tại khu vực đảo Lý Sơn; hoàn thành việc sửa chữa tàu Côn Sơn cho Vietsovpetro; hoàn thành sửa chữa FSO Chí Linh; bàn giao tàu dịch vụ 12.000 tấn cho Vietsovpetro; sửa chữa 3 tàu cho Petrolimex...
FSO Chí Linh khi được sửa chữa tại DQS.
Ngoài ra còn tham gia sửa chữa giàn Đại Hùng cho PVEP, đóng mới FSO cho mỏ Sao Vàng Đại Việt, hoán cải kho chứa cho mỏ Cá Rồng Đỏ... Đối với ngoài ngành, DQS đang tham gia việc đóng mới những module cho Samsung. Ngoài ra còn các dự án khác mà DQS đang chuẩn bị tham gia như: Xây dựng nhà máy lọc dầu tại Arập Xêút; đấu thầu đóng mới các tàu cá Ấn Độ; đóng mới các tàu hàng khô cho Canada, Singapore.
Trong đó phải kể đến những nỗ lực khi sửa chữa FSO Chí Linh - một trong những FSO lớn nhất Việt Nam. FSO Chí Linh có chiều dài 295m, rộng 45m, chiều cao mạn 25,4m, mớn nước 17m, chứa được 150.000 tấn dầu. Với những thông số kỹ thuật như thế, FSO Chí Linh trên mặt biển như một thành phố nổi. Một sân bóng đá theo tiêu chuẩn thế giới có chiều dài 105m thì chiều dài của FSO Chí Linh dài gần gấp 3 lần. Chiều cao mạn của FSO Chí Linh tương đương với ngôi nhà 7 tầng. FSO Chí Linh chứa được 150.000 tấn dầu. Số dầu này nếu chia ra xe bồn thì sẽ phải dùng 7.500 xe bồn loại 20 tấn mới chuyên chở được hết.
Theo như ông Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng giám đốc DQS, để nhận được hợp đồng này, DQS đã phải cạnh tranh sòng phẳng với các hãng lớn của Malaysia, Singapore, Trung Quốc...
DQS bàn giao tàu Vũng Tàu 05 cho Vietsovpetro.
Mới nhất, DQS cũng đã bàn giao tàu dịch vụ 12.000 tấn Vũng Tàu 05 cho Vietsovpetro vào tháng 3/2019. Tàu có chiều dài 76 m, chiều rộng 17.5m, chiều cao mạn 7.8m, chiều chìm thiết kế 6m, tốc độ không tải 14 hải lý/giờ, tốc độ có tải từ 10 - 12 hải lý/giờ, trọng tải 2.000 tấn, công suất tàu là 1.2000 mã lực, sức kéo khoảng 150 tấn. Đây là một trong những con tàu có tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp đăng kiểm cao bậc nhất thế giới và cũng không nhiều đơn vị tại Việt Nam có thể đóng được loại tàu này.
Trong lễ bàn giao tàu Vũng Tàu 05 cho chủ tàu, Thành viên HĐTV PVN Nguyễn Hùng Dũng cho biết: "Tuy DQS vẫn đang trong muôn vàn khó khăn, nhưng đã hoàn thành tốt những gì đã cam kết và tàu Vũng Tàu 05 là kết quả minh chứng cho sự nỗ lực đó".
Kể những điều trên để có thể khẳng định, DQS là một trong số ít những doanh nghiệp ngành hàng hải, đóng tàu ở Việt Nam có đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và đủ tầm để thực hiện những dự án lớn. Cộng thêm sự chỉ đạo của PVN và sự giúp đỡ của nhiều đơn vị trong ngành, DQS đã từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Con đường phát triển dần lộ rõ!
Nhưng trong bối cảnh vận tải biển và thị trường đóng tàu thế giới, khu vực vẫn u ám và cạnh tranh khốc liệt, các nước dựng những hàng rào bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, Nhật Bản đã có thông báo 100% tàu của nước này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc có vốn vay thương mại của các ngân hàng Nhật Bản đều phải đóng và sửa chữa trong nước. Còn ở Trung Quốc, trong năm 2017, có tới 96-97% các đơn hàng đóng mới và sửa chữa tàu biển do các doanh nghiệp trong nước thực hiện. Không chỉ ở Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới, ngành công nghiệp nặng như đóng tàu đều được Nhà nước bảo hộ để chống lại những sự cạnh tranh không bình đẳng đến từ phía nước ngoài.
“Do lịch sử để lại, báo cáo tài chính của DQS không thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của các gói thầu, nên DQS bị loại từ vòng sơ loại là điều không khó hiểu. Đây là điều cực kỳ bất lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Nếu được tạo cơ chế tham gia thì DQS sẵn sàng tham gia một cách sòng phẳng về chất lượng, tiến độ, giá cả. Thực tế đã chứng minh các sản phẩm của DQS đã tạo được sự tin cậy của khách hàng”, ông Minh chia sẻ.
Để DQS phát triển, sẵn sàng tham gia vào sân chơi bình đẳng, lành mạnh, cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước, DQS cần sự hỗ trợ cụ thể đến từ nhiều phía.
Nguồn: Thanh Hiếu petrotimes.vn